Học ngay kỹ năng thoát thân khi xảy ra cháy tầng hầm, chắc chắn sẽ giúp bạn an toàn.
Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người thường xuyên đi mua sắm trong các siêu thị, trung tâm thương mại. Với những cấu trúc hiện đại ngày nay thì các trung tâm thương mại, siêu thị lớn thường thiết kế hầm thay vì tầng lầu đi lên. Vậy, khi xảy ra sự cố như cháy nổ, ta sẽ làm gì khi đang ở dưới hầm?
Khung cảnh hỗn loạn và bối rối sẽ giết chết chúng ta trước khi ta có những biện pháp đối phó. Do đó, kỹ năng thoát thân khi xảy ra cháy tầng hầm dưới đây sẽ cứu sống bạn. Cùng xem nhé!
1.Thoát hiểm trong đám cháy
Khi xảy ra sự cố ở tầng hầm siêu thị hay trung tâm mua sắm, hãy tự trấn an mình và nhanh chóng tìm lối thoát thân. Đừng hoảng sợ và chạy theo tâm lý đám đông, giẫm đạp lên nhau mà té ngã, bị đè chết trước khi chết cháy hay ngạt khí.
Lưu ý:
-Khi tới những nơi này, phải hỏi nhân viên về thông tin cửa thoát hiểm, cầu thang bộ để biết đường thoát hiểm gần nhất khi cần.
-Tìm hiểu hướng dẫn chống cháy, chỗ để phương tiện chữa cháy để sử dụng khi cần thiết. Đôi khi các dụng cụ chữa cháy, cuộn vòi rất có ích để có thể thoát ra bằng cửa sổ hầm.
-Thoát bằng cầu thang bộ, không chạy vào thang máy vì khi có sự cố, nguồn điện sẽ bị cắt.
-Khi đám cháy còn nhỏ, hãy nhanh chân thoát ra ngoài và cố nín thở trong vài phút. Tuyệt đối không hít vào khi chạy qua đám cháy vì dễ bị bỏng đường hô hấp, ngất xỉu.
-Nếu bị kẹt trong đám cháy, hãy xác định hướng thoát hiểm. Khi băng qua lửa cần dùng chăn hay áo khoác, vải… thấm nước và trùm lên người trước.
-Nếu quần áo bén lửa, cứ bình tĩnh và đừng chạy thì có thể lửa sẽ bùng lớn hơn. Nếu có nước cũng đừng nhúng vào, vì rất có thể nước đã bị nóng và bạn sẽ bị bỏng. Nên che mặt và lăn qua lăn lại cho lửa tắt.
Nếu người khác bị cháy, tìm cách làm cho họ nằm xuống rồi dùng chăn, mền, áo khoác phủ thật nhanh, thật kín vào chỗ cháy để dập lửa. Không nên cởi quần áo ngay vì sẽ bị lột da.
2.Mở cửa trong đám cháy
-Nếu mở cửa trong đám cháy thì không nên vội vã, kẻo lửa sẽ táp vào mặt gây bỏng hoặc bị sặc khói. Hãy áp tay lên cửa để kiểm tra nhiệt độ, hoặc kiểm tra nắm đấm cửa bằng mu bàn tay, nếu thấy không quá nóng, hãy mở cửa. Nên đứng sát qua một bên để tránh bị lửa tạt.
-Nếu cửa không mở được, hãy tìm lối khác ngay.
-Lối thoát an toàn là lối không có nhiều khói, vật cháy che phủ.
-Nếu chỉ có duy nhất 1 lối thoát nhưng bị mắc kẹt, hãy dùng vật cứng làm đòn bẩy, cậy cửa để thoát ra hoặc gọi người bên ngoài ứng cứu.
-Khi cửa đã mở, đã có người thoát ra được, những người còn lại lần lượt đi ra, nếu có trẻ em thì người lớn phải kèm trẻ, phải bế trẻ và trẻ phải được che phủ bằng chăn, mền ướt.
3.Ứng phó với ngạt khí
Khói độc trong đám cháy rất là nguy hiểm, đó là nguyên nhân gây tử vong gấp 3 lần so với chết cháy. Khói có chứa chất độc, nhiệt độ cao, dễ gây ngạt, bỏng đường hô hấp và bỏng mắt. Do đó không nên đứng lâu ở một vị trí trong tầm hầm, chỗ có nhiều nguồn khí đang xảy ra.
Khi thấy khói cần
-Tìm cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt, tri hô để mọi người ứng cứu.
-Cúi người thấp hơn khói, vì khí độc luôn bay trên cao, oxi sẽ ở phía dưới. Bò sát sàn sẽ tránh bị ngạt khói nhiều hơn.
-Nếu khói dầy, ta không thể nhìn thấy lối thoát nạn, hãy lần theo một bên tường, chắc chắn sẽ có đường ra.
-Để chống bị nhiễm độc khí, nên lấy khăn ướt bịt miệng, mũi để lọc không khí trong suốt quá trình di chuyển, bởi một số khí độc sẽ giảm bớt độc tính khi gặp nước.
-Khi muốn băng qua lửa, cần dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, hoặc nếu có thể, hãy dùng mặt nạ chống khói (nếu trung tâm thương mại có trang bị).
Trả lời